Tiềm năng là rất lớn, nhưng ngành giấy trong nước đang phải đối mặt với thách thức về cải tiến công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, giảm sử dụng hóa chất, đáp ứng các quy định về môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, ngành sản xuất giấy và giấy bao bì Việt Nam có khoảng gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp có công suất sản xuất thấp, công nghệ hạn chế và chưa gắn liền đầu tư sản xuất với giảm tác động xấu lên môi trường. Song song với tiềm năng xuất khẩu lớn, nhu cầu bao bì giấy thực phẩm trong nước cũng gia tăng mạnh do sự dịch chuyển sang xu hướng tiêu dùng xanh. Theo dự đoán của VPPA, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng bao bì giấy dự báo tăng trưởng 14-18%/ năm.
Trong ngành sản xuất giấy, cho đến cuối năm 2019, mới chỉ có Công ty Giấy CP (CP Paper) là doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận LEED cho văn phòng và nhà xưởng. Bước sang năm nay, nhà máy sản xuất hộp giấy vô trùng đầu tiên của Việt Nam - Tetra Pak Bình Dương đã được trao Chứng chỉ LEED Vàng - Phiên bản 4, là phiên bản mới nhất với những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ quản lý.
Nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành
Là một trong những nhà máy có công suất lớn nhất của ngành giấy Việt Nam, Tetra Pak Bình Dương sản xuất khoảng 12 tỉ hộp giấy/năm và khả năng mở rộng đến 20 tỉ hộp giấy/năm.
Chuyên gia trong ngành kỳ vọng rằng, những doanh nghiệp đi đầu như Tetra Pak sẽ góp phần lan tỏa văn hóa phát triển bền vững tới cộng đồng doanh nghiệp, để trong những năm tới, số lượng công trình xanh trong ngành giấy sẽ tiếp tục gia tăng. Một trong những sáng kiến nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng, đó là Công ty đã liên kết với các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống và đóng gói hàng đầu khác để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO), nhằm thúc đẩy quá trình thu gom và tái chế bao bì. Doanh nghiệp này cũng đặt ra mục tiêu, vào năm 2030, sẽ thu gom để tái chế tất cả các nguyên liệu đóng gói mà Tetra Pak đưa vào Việt Nam